Nghĩ nát óc, Trần Thanh Phương (26 tuổi, ở Quận 3, TPHCM) vẫn chưa lý giải nổi tình huống gặp phải khi ứng tuyển vào vị trí sale marketing của một công ty nước ngoài trong lĩnh vực điện tử.
Lúc phỏng vấn, sau khi trao đổi, bộ phận nhân sự bất ngờ đưa cho cô một tờ giấy bút kèm yêu cầu vẽ một con heo.
Mất một lúc “đứng hình”, Thanh Phương tiến về khu vực ngồi “làm bài kiểm tra”. Không nghĩ nhiều, cô gái vẽ luôn bầy heo 5 con đang tung tăng phơi nắng dưới bãi cỏ vì thấy một con trơ trọi quá. Cô gái cũng từng học về mỹ thuật nên nhìn bức tranh cũng không đến nỗi nào.
Thanh Phương trúng tuyển nhưng đến khâu thương lượng lương thì cô từ chối nhận việc. Đến giờ, bài toán “vẽ heo” vẫn chưa có đáp án với cô.
Mới đây, cô gái 26 tuổi chia sẻ câu chuyện để mọi người cùng trao đổi, giúp tìm được lời giải.
Chuyện tuyển dụng tưởng chừng hi hữu hóa ra không chỉ xảy với một mình Phương. Một vài ứng viên cũng từng gặp trường hợp tương tự. Sau khi Trần Thanh Phương chia sẻ về “cửa ải” vẽ heo của mình, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi nổ ra trên các diễn đàn nhân sự.
Nhiều ứng viên và cả các nhà quản lý đưa ra nhiều suy đoán, lý giải. Có người chúc mừng cô gái khi cho rằng, đã là sale marketing phải biết “đẻ” càng nhiều càng tốt, người ta yêu cầu vẽ một thì không phải một mà phải là… cả bầy. Kiểu như sếp yêu cầu bạn một nhưng bạn phải mang lại hiệu quả nhiều lần.
Năng lực mỹ thuật thể hiện tư duy, liên quan và hỗ trợ đắc lực đối với công việc của một người làm sale.
Ở đây, có thể nhà tuyển dụng muốn làm sao ứng viên có thể tư duy, heo cũng là một sản phẩm. Không đơn thuần vẽ trên giấy, họ đòi hỏi ứng viên vẽ tư duy thành bức tranh marketing để làm sao người ta muốn mua.
Hoặc nhà tuyển dụng đang test khả năng tiếp nhận công việc, giải quyết vấn đề mà rất nhiều ứng viên đang gặp phải: Không hiểu nhưng vẫn làm.
Họ cần ứng viên chủ động tìm hiểu chứ không phải nghe rồi rón rén không dám hỏi lại, chỉ cắm đầu làm mà không biết mục đích.
“Tùy từng công ty mà ý nghĩa của yêu cầu khác nhau, nhưng dù bất kỳ yêu cầu nào nghe có vẻ kỳ quặc của nhà tuyển dụng đều quanh các mục đích như kiểm tra kiến thức, tư duy, khả năng xử lý tình huống của ứng viên”, chị Hải Linh, làm việc trong ngành nhân sự nhấn mạnh.
Theo chị, trong tình huống này, ứng viên nên hỏi lại nhà tuyển dụng yêu cầu như vậy với mục đích gì, tiêu chí đánh giá như thế nào. Kể cả ứng viên cho rằng mình hiểu cũng nên hỏi để xác minh mình hiểu đúng chưa.
Người phỏng vấn sẽ có những cách thức, tình huống riêng theo chính hiểu biết, trải nghiệm của họ để tìm ứng viên phù hợp với tiêu chí đánh giá, nhu cầu, văn hóa của công ty. Ứng viên không hỏi thẳng, việc đoán ý nhà tuyển dụng có thể nói là vô vọng.
“Có khi đó là sự ngẫu hứng của người phỏng vấn, chính họ cũng không hiểu hết hoặc hiểu đúng mục đích về những yêu cầu của mình”, anh Lê Quốc Trung, làm việc tại một công ty nhân sự tại TPHCM cho hay.
Anh Trung cũng bày tỏ, xu thế phỏng vấn hiện nay không còn ủng hộ kiểu đánh đố nhau thế này. Nhưng suy cho cùng là quyền lựa chọn và tiêu chí, ý đồ riêng của từng doanh nghiệp.
“Nếu mình là ứng viên, rơi vào tình thế này, mình sẽ thực hiện yêu cầu của người phỏng vấn nhưng không đưa kết quả trước. Chỉ sau khi phía nhà tuyển nói mục đích yêu cầu này, mình mới “nộp bài”, anh Đằng Nhật, 33 tuổi, TPHCM góp ý kiến.
Theo kinh nghiệm của mình, chị Bùi Thị Thanh Hằng, thành viên tại một diễn đàn nhân sự chia sẻ đây là một trò chơi, chị cũng đã từng tham gia.
Trò chơi được hiểu: Nếu vẽ tai heo to – bạn là người biết lắng nghe; vẽ mặt về phía trước – bạn là người tích cực; vẽ mặt chính giữa – bạn là người chính trực; vẽ thêm chi tiết khoang, lông – bạn là người chi tiết; vẽ mặt heo về phía tay trái – bạn là người có ý tưởng cải tiến; nếu vẽ đuôi heo to, quăn tít – bạn là người có sức khỏe và ham muốn tình cảm…
Mục đích để sau đó nhà tuyển dụng nói: Tôi muốn bạn vào công ty sẽ thế nào.
Theo Hoài Nam – Báo Dân trí; Sưu tầm: Thái Bình