“Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 tổ chức theo hình thức trực tuyến là một minh chứng sinh động của chuyển đổi số trong GDNN”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh trong phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội giảng.
Sau 3 năm tích cực chuẩn bị, ngày 12/11, Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 đã chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến. Dự lễ khai mạc tại điểm cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Nguyễn Minh Triết, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, đại diện Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam. Hội giảng còn có sự tham gia và theo dõi đông đảo các Hội GDNN, cơ sở GDNN, các nhà giáo GDNN, những người quan tâm đến GDNN tại các điểm cầu trực tuyến của các địa phương và kênh livestreams trực tuyến.
Người thầy luôn giữ vai trò quan trọng trong thời đại sáng tạo tri thức
Phát biểu khai mạc Hội giảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định, cho dù các thành tựu của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi phương tiện, công cụ, phương thức tương tác trong dạy học nhưng không có loại máy móc nào, phương thức gián tiếp nào có thể thay thế được vai trò của người thầy. Trong thời đại sáng tạo tri thức, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng để phát triển năng lực người học, dẫn dắt định hướng nghề nghiệp và kết nối người học và DN…
“Trong GDNN, nếu như trước đây người học thường tập trung vào tư duy đơn ngành, điêu luyện một nghề thì ngày nay, họ hướng tư duy liên ngành và tính chuyên nghiệp trong khi hành nghề. Do vậy, người thầy không có cách nào khác là phải thay đổi cách tiếp cận, liên tục nâng cao năng lực và luôn nỗ lực khẳng định mình”, Thứ trưởng cho biết.
Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, yêu cầu đối với nhà giáo ngày một cao hơn, đòi hỏi nhà giáo phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực tiễn nghề nghiệp trong từng tiết giảng.
Mặt khác, đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến xã hội cũng như ngành giáo dục đào tạo, trong đó có GDNN. Để duy trì hoạt động đào tạo nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19, các cơ sở GDNN đã chuyển đổi từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến và nhà giáo GDNN có vai trò dẫn dắt, thực hiện quá trình chuyển đổi này.
Nhìn nhận những thách thức do đại dịch mang đến, nhưng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đây cũng là cơ hội để GDNN chuyển đổi số, đổi mới để thích ứng và hội nhập. Và Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 tổ chức theo hình thức trực tuyến là một minh chứng sinh động của chuyển đổi số trong GDNN.
Chuẩn bị đặc biệt cho một Hội giảng đặc biệt
Tại buổi lễ, thông tin về quá trình chuẩn bị cho Hội giảng, bà Nguyễn Thị Việt Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết: Kế hoạch tổ chức Hội giảng đã được xây dựng từ năm 2018, sau thành công của kỳ Hội giảng được tổ chức tại Hà Nội.
Hội giảng lần này diễn ra trong bối cảnh năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 13 với 3 đột phá chiến lược, trong đó có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện tinh thần Chỉ thị 24 của TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề góp phần nâng cao năng suất lao động nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; năm đầu tiên thực tinh thần của ngày Kỹ năng lao động. Mặt khác, Hội giảng Nhà giáo GDNN năm 2021 còn được đặt trong một bối cảnh đặc biệt khác, đó là đại dịch Covid -19.
Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 400 nhà giáo, đại diện cho hơn 83 nghìn nhà giáo GDNN trên cả nước. Hội giảng truyền đi thông điệp “Nhà giáo GDNN Đổi mới – Sáng tạo – Thích ứng – Hội nhập, nhân tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”.
Những bối cảnh đó cho thấy, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực được đặt ra trong giai đoạn này là rất mạnh mẽ, cấp thiết, đòi hỏi việc nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của người thầy, nhất là người thầy của GDNN phải được đặc biệt ưu tiên. Đặc biệt, những tác động của đại dịch Covid-19 đòi hỏi một kỳ hội giảng phải có rất nhiều thay đổi, thậm chí là có thể sẽ không được tổ chức nếu như không có sự quyết tâm cũng như chuẩn bị phương án phù hợp.
Trong bối cảnh đó, công tác chuẩn bị được thực hiện theo rất nhiều nhóm công việc với rất nhiều thay đổi để thích ứng. Đến nay, Hội giảng đã có 404 nhà giáo của 55 đoàn địa phương và 6 bộ ngành tham gia. Có 170 nhà giáo đã được giới thiệu từ các trường ĐH sư phạm kỹ thuật để Ban tổ chức chọn ra 100 giám khảo đưa vào bốc thăm qua các ngày chấm thi. Hội giảng sẽ diễn ra trong 4 ngày liên tục và sẽ có 4.040 lượt bài được đọc, trong đó có 1.212 lượt bài được chấm.
Các hoạt động bên lề cũng có những con số ấn tượng với Triển lãm số gồm 35 gian hàng, 1 Hội thảo Quốc tế do 3 bên đồng chủ trì (TC,OIF, GIZ), 1 tọa đàm quốc tế với đại diện nhiều tổ chức quốc tế tham gia; cuộc thi Thiết kế dạy học với 600 bài cấp cơ sở, 100 bài cấp trung ương và 7 bài được lựa chọn báo cáo tại hội giảng.
Mặc dù đã có những chuẩn bị chu đáo và phù hợp với bối cảnh đại dịch, tuy nhiên theo Trưởng Ban tổ chức Hội giảng Nguyễn Thị Việt Hương, vẫn thiếu một điểm rất quan trọng, là linh hồn của các kỳ Hội giảng hàng năm. Đó là việc tạo cơ hội để các thầy cô trực tiếp gặp gỡ với nhau, giao lưu trao đổi và thực hiện các hoạt động tri ân tại Tỉnh Nghệ An, trên mảnh đất quê hương của người thầy giáo vĩ đại Nguyễn Tất Thành. ”Điểm tiếc nuối đó sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tích cực hơn để có thể thực hiện được tại kỳ Hội giảng 2024”, bà Hương cho biết.
Đại diện cho 404 nhà giáo tham dự Hội giảng nói riêng và đội ngũ nhà giáo GDNN nói chung phát biểu tại Lễ khai mạc, nhà giáo Lê Tùng Lâm – Giảng viên khoa Điện, Trường CĐ Cơ Điện Hà Nội chia sẻ: “Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch nước và thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới – chúng tôi nhận thấy, phải luôn không ngừng học hỏi, phấn đấu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid -19, cống hiến toàn bộ tâm huyết cho sự nghiệp GDNN, góp phần vì Việt Nam hùng cường”.
Theo nhà giáo Lê Tùng Lâm, Hội giảng là ngày hội lớn, là sân chơi thiết thực, bổ ích để các nhà giáo GDNN được thể hiện khả năng của bản thân mình, được học hỏi, cọ xát với thực tế và hơn hết được trao đổi kinh nghiệm với các thầy, cô giáo trong khối GDNN.
“Tôi mong muốn các bộ, ban ngành ngày càng phát triển có điều kiện tổ chức thường xuyên hơn nữa những Hội giảng như thế này để các nhà giáo tham gia và ngày càng tiến bộ”, thầy Lê Tùng Lâm bày tỏ.
Hải An