Chiều 13/11, tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức gặp mặt cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tổng Cục trưởng Tổng cục nghề nghiệp Trương Anh Dũng thay mặt Tổng cục gửi lời chúc đến các thầy cô, mong rằng các thầy, cô sẽ cống hiến được nhiều tâm trí trong lĩnh vực trồng người.
Ông Trương Anh Dũng cũng đã nêu lên một số kết quả nổi bật trong năm học 2021-2021 là: “Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định; ban hành chính sách hỗ trợ nhà giáo, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh phải dừng việc, nghỉ việc và hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì cho người lao động (Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
Ban hành Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Quyết định số 1446/QĐ-TTg); chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh đào tạo nghề và huy động lực lượng bộ đội xuất ngũ và HSSV đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẵn sàng cung ứng cho các địa phương bị thiếu hụt trầm trọng lao động.
Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng cao (năm 2019 chất lượng giáo dục nghề nghiệp tăng 13 bậc, cao nhất trong ASEAN). Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, đặc biệt một số nghề tỷ lệ có việc làm đạt trên 90%. Ở một số nghề (nghề Hàn, Cơ – điện tử, Viễn thông, Logistic, Du lịch, Dầu khí…), kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện”.
Ông Trương Anh Dũng cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự dịch chuyển lao động trên toàn cầu và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thì phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nhận được sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nhằm phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại và hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bày tỏ niềm vui mừng trong tháng tôn vinh, động viên các thầy, cô nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
“Buổi gặp mặt chính là có thể tôn vinh, động viên và chia sẻ với các thầy cô có thành tích nổi bật, chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Đồng thời đây cũng là cơ hội để lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp thu lắng nghe những khó khăn của các trường. Đây cũng là cơ hội để các thầy cô ở tất cả các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm.
Trong buổi gặp mặt hôm nay, thật vinh dự khi có sự tham gia của thầy, cô giáo có bài giảng nằm trong nhóm các thiết kế dạy học điện tử trực tuyến được đánh giá là xuất sắc nhất trong 600 bài giảng gửi về cho Hội đồng giám khảo. Từ đó truyền đi thông điệp chung trong toàn hệ thống, đó chính là chú trọng hoạt động giảng dạy trực tuyến trong giai đoạn tới”, bà Hương chia sẻ.
Bên cạnh đó chính là nâng mức tham gia trong các đấu trường quốc tế của sinh viên trường nghề. Có tham gia vào những cuộc thi như vậy thì mới có cơ hội để cọ sát là động lực để điều chỉnh công tác giảng dạy trong nước. Đây chính là những thành tích rất lớn của giáo dục nghề nghiệp trong thời gian vừa qua.
Phó tổng cục trưởng bày tỏ mong muốn, từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các thầy cô sẽ tiếp nhận thông tin để áp dụng vào năm học mới. Đây chính là năm học có bước chuyển lớn từ chiến lược đến chỉ thị, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” trong tình hình mới.
Bà Bùi Minh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai cũng đã chia sẻ niềm vinh dự và những khó khăn của thầy và trò khi đối mặt với đại dịch Covid-19 vừa qua.
“Trong năm 2021, với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, 1.700 thầy và trò của trường đã tâm huyết, trách nhiệm khi tham gia chống dịch tại Bắc Giang, TPHCM và Hà Nội. Nhà trường đã tham gia được trên 3 triệu mẫu truy vết, test nhanh trên các tỉnh thành, thực hiện hơn 100.000 mũi tiêm và hỗ trợ tiêm chủng.
Ngoài hỗ trợ công tác chống dịch, nhà trường cũng chú trọng vào đào tạo và tuyển sinh năm học mới. Nhà trường cũng biết ơn các em sinh viên đã cố gắng và dũng cảm vượt qua khó khăn đi vào tâm dịch. Tất cả những điều đó là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo động viên từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong công tác giáo dục nghề nghiệp”, bà Thu chia sẻ.
Văn Hiền