KẾT QUẢ THAM GIA HỘI THI THIẾT BỊ ĐÀO TẠO TỰ LÀM TOÀN QUỐC LẦN THỨ VII, NĂM 2022 CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ, KINH TẾ VÀ THỦY LỢI MIỀN TRUNG

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, năm 2022 được tổ chức từ ngày 10/10 đến ngày 14/10/2022 tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, năm 2022 có 57 tỉnh/thành phố tham gia, với tổng số thiết bị dự thi là 381 của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tác giả/nhóm tác giả dự thi đều là những nhà giáo có kỹ năng nghề cao và đã từng thiết kế, chế tạo thành công những sản phẩm đạt chất lượng cao và đang áp dụng cho công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng có tác giả là những giáo viên trẻ lần đầu tham gia Hội thi.

Với số lượng thiết thị tham gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, phản ánh sự quan tâm, đầu tư của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sự đam mê, nhiệt huyết của các nhà giáo trong việc nghiên cứu khoa học, sản xuất chế tạo các thị bị đào tạo tự làm phục vụ cho quá trình dạy và học hiệu quả, thiết thực đúng với yêu cầu của nội dung đào tạo và vị trí việc làm.

Sau 5 ngày làm việc, Hội đồng giám khảo đã giúp Ban tổ chức Hội thi lựa chọn 150 thiết bị đạt giải cá nhân, cụ thể: 30 thiết bị đạt giải Nhất; 45 thiết bị đạt giải Nhì; 75 thiết bị đạt giải Ba.

Tham gia Hội thi, đoàn của tỉnh Quảng Nam có 8 thiết bị tham gia của 05 đơn vị, trong đó trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi Miền Trung có 01 thiết bị tham gia. Kết quả thiết bị: “Mô hình giám sát an toàn và phòng cháy chữa cháy tự động trong sản xuất” đã đạt giải Ba tại Hội thi.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội đã tặng Bằng khen cho nhóm tác giả đạt giải Ba tại Hội thi gồm tác giả Cô Lê Thị Hồng Lựu, Thầy Ngô Văn Hương (GV Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước và Môi trường); Thầy Hà Văn Ngọc (GV khoa Kỹ thuật công trình).

Hội thi thiết bị không chỉ tạo thành phong trào mà tạo ra giá trị bài giảng sát thực với chương trình đào tạo vì không gì bằng thầy cô sáng tạo ra thiết bị đó gắn với chương trình bài học cụ thể. Bên cạnh đó, về ý nghĩa kinh tế cũng giảm thiểu chi phí đào tạo. Quan trọng hơn tạo thành phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo; là cơ hội để đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh và sinh viên phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo trong việc chế tạo nên các thiết bị đào tạo có chất lượng phù hợp với chương trình đào tạo, sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào dạy và học, đồng thời tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị.

Hội thi là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng chế và cải tiến thiết bị đào tạo, tạo phong trào tự làm thiết bị rộng rãi trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Một số hình ảnh tại Hội thi.

   
   
   
   
 

 

Ý kiến của bạn